Năn Bộp Cà Mau – đặc sản dân gian
- Thứ ba - 19/07/2016 17:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này

Cây cỏ năn bộp có ba phần gồm đọt năn, chồi non và củ năn đều được sử dụng để làm món ăn. Phổ biến nhất là đọt năn mọc ở gần gốc, có màu vàng nâu xỉn vì nhiễm phèn nhưng khi bóc lấy phần non thì có màu trắng ngà, nhẹ như xốp. Bên cạnh đọt năn, những đoạn chồi non, hay còn gọi là mần năn, thường rất được sếu đầu đỏ ăn. Cuối cùng là củ năn, khi cây năn chết thì đến mùa mưa năm sau mới mọc lên thành cây mới.
Người dân miệt vườn miền Tây khéo léo có thể chế biến thành những món ăn dân dã đến lạ thường từ ba bộ phận kể trên. Những đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ để làm rau ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa… món nào cũng ngon và hấp dẫn.

Những đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ để làm rau ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa…
Đặc sắc và đúng điệu của món ngon là rau năn ăn sống với cá rô đồng rán giòn, cá lóc nướng trui hoặc cá trê nướng dầm nước mắm gừng thì tuyệt không gì bằng. Ngoài ra, mầm năn được dùng để xào thịt trâu, nghêu, hến, tép bạc, thịt chuột đồng… Để thưởng thức món mầm năn, người ta xào để to lửa, đảo nhanh cho mầm năn vừa chín tái thì khi ăn sẽ có độ giòn ngọt. Còn củ năn bộp, đào lên đem rửa sạch để ăn hoặc ủ đến khi mọc mầm để lấy muối dưa chua – một món ăn được người dân miền Tây Nam Bộ vô cùng ưa thích. Dưa năn bộp có thể muối xổi, trộn dấm đường tỏi ớt và chút muối ăn để khoảng 30 phút là dùng được.